Kinh nghiệm thế giới về đô thị hóa và đô thị sống tốt



Tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Theo số liệu của Liên Hiệp quốc, dân số đô thị thế giới đến năm 2030 dự báo sẽ có khoảng 4,9 tỷ người tương đương 60% dân số thế giới sống trong các đô thị. Hiện nay trong quá trình phát triển, tất cả các đô thị trên toàn cầu đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đó là các TP hàng đầu thế giới về quy hoạch và quản lý đô thị, ví dụ như Nhật Bản, Singapore, Brazil… Những đô thị này đã để lại một số bài học quý báu mà chúng ta cần tham khảo.


Curitiba, Brazil


Không có gì đặc biệt về lịch sử, địa điểm, Curitiba cũng giống như tất cả các TP Mỹ Latinh khác. Cư dân về bản chất cũng không giàu có, tỷ lệ dân số biết đọc biết viết không cao. Vậy mà tại sao, Curitiba năm 2010 đã được trao tặng giải thưởng TP bền vững toàn cầu, một giải thưởng công nhận TP và đô thị tự quản xuất sắc trong phát triển đô thị hóa và đô thị bền vững trên toàn thế giới.


Các nhà lãnh đạo đô thị vào những năm 1960 với tư tưởng tiên phong, tập hợp mời chào nhóm kiến trúc sư trẻ nhưng không có tư tưởng gây kiến trúc ấn tượng với “thời trang đô thị” cho các quốc lộ lớn, các tòa nhà lớn và trung tâm mua sắm sang trọng. Họ khởi xướng một quy hoạch hướng tới môi trường và hướng về nhu cầu của con người. Khi đó, họ tiếp cận thị trưởng TP Curitiba – Jaime Lerner (cũng từng là KTS) và trình bày ý tưởng về dự đoán sự phát triển nhanh chóng của TP, đồng thời trình bày ý tưởng quy hoạch của nhóm với Thị trưởng với mong muốn có sự ủng hộ một cách khách quan. Thị trưởng đã tài trợ một cuộc thi về quy hoạch tổng thể Curitiba. Ông cho quảng bá những ý tưởng quy hoạch tốt nhất, thảo luận với các công dân của mình, tham kiến mọi tầng lớp và sau đó quay lại ý kiến với các kiến trúc sư nêu ý tưởng, yêu cầu họ phát triển và thực hiện một bản quy hoạch cuối cùng.


Với tình hình kinh tế khó khăn của Brazil lúc bấy giờ, Lerner đã phải suy nghĩ rất nhiều, bỏ ra tâm huyết rất nhiều để cân nhắc về giải pháp phù hợp với một đô thị như Curitiba. Ông thậm chí còn đích thân tìm giải pháp xanh cho đô thị bằng việc cung cấp 1,5 triệu cây giống để cho bà con các khu phố trồng và chăm sóc. Ông cho rằng “Trong khi ngân sách hạn hẹp, muốn có đô thị đẹp thì phải bỏ công sức của chính mình, người dân phải từ đó có ý thức với cây mà mình trồng nên. Muốn cho đô thị đẹp, không thể thiếu mảng cây xanh”. Xây dựng ở Curitiba được áp dụng chính sách ưu đãi nếu các dự án xây dựng có chứng minh là công trình xanh, thân thiện môi trường. TP có một đường dây nóng để báo cáo ô nhiễm từ ngành công nghiệp xây dựng.


Lerner rất ưa thích phục hồi xây dựng ngay trên chính khu vực đó, ví dụ sự chuyển đổi một nhà kho cũ thành một nhà hát, phục vụ cho nhu cầu giải trí tinh thần của cộng đồng hoặc chuyển đổi một nhà máy sản xuất keo bị lãng quên thành một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thuận lợi, ông cũng từng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của những người bán hàng khi ông đề nghị chuyển khu mua sắm trung tâm thành một khu vực dành cho người đi bộ. Để thuyết phục người dân, ông đề nghị dùng phép thử nghiệm trong 30 ngày và lấy ý kiến công chúng. Như vậy, cả một quá trình thương thuyết, nhọc nhằn khó khăn cùng nhiều áp lực, ngày nay khu phố Rua das Flores có muôn cây đua nở cùng với gương mặt hạnh phúc của các em học sinh khi được giao nhiệm vụ chăm sóc khu vườn của tuyến phố mà mình sinh sống.


Trẻ em đường phố mồ côi hoặc bị bỏ rơi là một vấn đề trên toàn Brazil. Curitiba cũng không nằm ngoài tình trạng chung. Lerner đã từng gom chúng từ các cửa hàng, khu chợ, bãi rác và kết nối với các tổ chức để “nhận nuôi”, hỗ trợ hoặc bằng hình thức nào đó giúp cho những trẻ em không nơi nương tựa này bằng cách cung cấp cho chúng thức ăn và cho chúng một công việc nhẹ nhàng như dọn vườn, dọn dẹp công sở… để chúng có thể tự lo một cuộc sống bắt đầu từ việc làm đơn giản.


Quy hoạch giao thông ở đây đã có sự tính toán cẩn thận nên từ những năm 1990, Curitiba đã rất phát triển giao thông công cộng. 70% du khách và người mua sắm sử dụng giao thông này làm phương tiện di chuyển. Vòng tròn đồng tâm của các tuyến xe buýt địa phương kết nối với 5 dòng xuyên tâm đi ra ngoài từ trung tâm của TP. Trên các đường xuyên tâm, đường 3 làn xe buýt chở hàng trăm hành khách mỗi chuyến, đi nhanh như xe điện ngầm.


Còn vấn đề rác thải thì sao? Công dân Curitiba phân loại rác hữu cơ và vô cơ, được thu gom vào hai loại xe tải. Các gia đình nghèo trong các khu định cư tạm bợ mà xe tải không thể vào được thì những người dân này phải mang túi rác của họ đến các khu phố trung tâm để đổi rác lấy vé xe buýt, hoặc trứng, sữa, cam, khoai tây. Bằng cách ứng xử nhân văn này, cư dân ở đây cảm thấy thực sự được quan tâm và chính vì thế, họ cảm thấy đây là nơi đáng sống nhất và hài lòng với những gì mà TP mang lại. Chính vì thế, đã có rất nhiều nhà quản lý đô thị, KTS và quan chức từ các TP khác trên thế giới phải đến đây thăm quan và học hỏi về cách thức xây dựng một đô thị sống tốt.


Vancouver – Canada


Vancouver là vùng đô thị lớn thứ 3 và là vùng phát triển nhanh nhất Canada với dân số 2,1 triệu người. Đây được coi là một trong những nơi lý tưởng nhất cho cuộc sống trên thế giới với nhiều không gian xanh công cộng và chất lượng cao của môi trường nước và không khí.


Nội dung về thực tiễn phát triển bền vững tốt nhất của vùng Vancouver được kể đến gồm: Các dải cây xanh được phối kết và sử dụng theo hành lang; Trạm trung chuyển Surrey; Trạm xử lý nước cống tràn; Tiết kiệm gas tại các nhà máy xử lý nước thải.


Các dải cây xanh là sáng kiến vươn tới bền vững cho các khu giải trí, bảo vệ môi trường sống, giao thông công cộng và các tiện nghi khác. Công việc được triển khai với sự kết hợp giữa chính quyền vùng và cộng đồng dân cư, góp phần tiết kiệm kinh phí và các nguồn lực khác.


Việc xây dựng các thiết bị quản lý chất thải là bộ phận quan trọng nhất. Chương trình khởi xướng các dự án tái chế phần lớn rác thải xây dựng (có tới 80% được tái chế và 15% được sử dụng lại làm chất đốt). Phần lớn cây xanh tự nhiên được chăm sóc và trồng lại, số còn lại được dùng làm lớp bảo vệ cho cây mới trồng.


Để quản lý vệ sinh nước cống tràn do rò rỉ hoặc nước mưa khi có mưa bão, sáng kiến xây dựng trạm thu gom nước tràn hoạt động tự động nhằm thu nước cống tràn vào trạm thu khi mưa bão, sau đó đẩy ngược trở lại trạm bơm. Bên cạnh đó, việc tái sử dụng những phần nước thải có thể được cho các khu vệ sinh, sáng kiến này đã giảm thiểu được việc sử dụng nước sạch.


Kết hợp cùng với đó là sáng kiến giảm thiểu việc tiêu thụ không cần thiết như các đèn nhấp nháy trong quá trình xử lý nước thải. Sử dụng số liệu máy tính và hệ thống điều khiển nhằm điều tiết và cân đôi lượng gas cần thiết cho các thiết bị.


Khánh Phương/BXD


 


Nhận xét